Theo TS. Bùi Quang Tín, bên cạnh mối lo về lạm phát, tỷ giá, nhập siêu thì diễn biến của thị trường bất động sản và chứng khoán cũng sẽ tác động lên lãi suất trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2015, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 0,3%/năm, tăng trưởng tín dụng đạt 6,28%, huy động vốn tăng 4,58%, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,09%so với cuối năm 2014. Lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng vẫn tương đối ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục được cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống. Tỷ giá ngoại tệ tăng hết biên độ cho phép 2% của năm 2015.
Xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm 2015, theo tác giả, phụ thuộc vào 3 yếu tố chính là: tình hình lạm phát; tỷ giá, nhập siêu; diễn biến của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.
Thứ nhất, tình hình lạm phát
Một trong những sự kiện nổi bật nhất của kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 0,55%, tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Lạm phát thấp mang đến nhiều cơ hội và thách thách cho nền kinh tế. Các chính sách cần được điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến mới.
Lạm phát tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó có hoạt động của các NHTM. Có thể nói lạm phát là một trong những nhân tố chủ chốt ảnh hưởng đến lãi suất huy động vốn và cấp tín dụng của ngân hàng. Lạm phát thấp mang lại niềm vui cho người tiêu dùng; sự an tâm của các nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý, điều hành vĩ mô có cơ sở để đề ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường. Chính phủ có dư địa lớn hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát thấp tạo điều kiện cho lãi suất giảm là tín hiệu vô cùng đáng mừng của nền kinh tế, tuy nhiên, thực tế cung và cầu về vốn vẫn chưa thể gặp nhau. Doanh nghiệp không thể tiếp cận được khoản vay do không đáp ứng được các tiêu chuẩn của ngân hàng, trong khi đó, phía ngân hàng có thể hạ lãi suất, nhưng không thể hạ tiêu chuẩn cho vay. Khó khăn thiếu vốn vẫn còn và nhiều doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với những khó khăn phía trước.
Bản chất lạm phát quá thấp là do tổng cầu chưa được cải thiện nhiều, không phải do năng suất, chất lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh được nâng lên, làm cho chi phí sản xuất và giá thành hạ.Ngoài ra, thực tế lãi suất tại Việt Nam không chỉ gắn với vấn đề lạm phát, dù nó là biến số rất quan trọng. Vì lãi suất đồng VND còn gắn tương quan với lãi suất đồng USD, liên quan đến cách thức điều hành linh hoạt tỷ giá của Ngân hàng nhà nước (NHNN). Bởi nếu không xử lý, kiểm soát tốt, nhiều khả năng có sự dịch chuyển từ đồng tiền này sang đồng tiền khác.
Ngoài ra, lãi suất còn phụ thuộc vào biến số khác như mức độ biến động và phát triển của thị trường tài chính, tức là lợi tức đối với việc cầm giữ tiền VND so với các loại tài sản tài chính khác như thế nào. Việc cân nhắc những chỉ số vĩ mô là điều thiết yếu để có được một chính sách lãi suất phù hợp với các biến số kinh tế vĩ mô khác trong khuôn khổ một chính sách phát triển kinh tế tổng thể của đất nước trong từng thời kỳ.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng trên cả nước đạt 6,28% so với tháng 12 năm trước. Kết quả này có nhiều cải thiện so với mức tăng 2,03% của cùng thời điểm năm 2014; huy động vốn của các NHTM tăng 4,58%, thấp hơn mức tăng 5,26% của cùng kỳ năm trước. Thanh khoản của hệ thống NHTMtiếp tục được cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống. Trạng thái vốn khả dụng của toàn hệ thống hiện vẫn dư thừa; thậm chí nhà điều hành vẫn phải liên tục hút bớt tiền về. Cụ thể, NHNN đã hút ròng khoảng 16,5 nghìn tỷ đồng qua repos và tín phiếu từ ngày 22/6 đến ngày 3/7/2015.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, điển hình như trong tháng 5 năm 2015 vừa qua, điểm khác biệt lớn nhất so với hai năm qua là các tổ chức tín dụng (TCTD) không nhồi mạnh vốn vào kênh trái phiếu Chính phủ nữa. Nói cách khác, trái phiếu Chính phủ đã bớt chèn lấn, nguồn cung cho tín dụng nhiều hơn và góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng cho vay khá cao những tháng đầu năm nay.
Đầu ra hẹp đi ở kênh trái phiếu, cung dồn nhiều hơn cho kênh tín dụng cũng là một yếu tố góp phần cạnh tranh lãi suất cho vay, ít nhất là tạo điều kiện bình ổn mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian từ nay đến cuối năm 2015.Trong khi đầu ra là kênh trái phiếu hẹp đi, đầu vào lại càng dồn lên từ trái phiếu và tín phiếu đáo hạn. Trạng thái vốn khả dụng của hệ thống dư thừa cũng từ đây, bất chấp tăng trưởng huy động vốn thấp, hay sức ép tăng lãi suất huy động từ đây là không lớn.
Dĩ nhiên, các cân đối và việc “đong đếm” mức độ sức ép nói trên chỉ trong phạm vi ngắn hạn. Từ tháng 9 năm 2015 trở đi, tín dụng vào mùa cao điểm, tình hình có thể thay đổi và sức ép đối với lãi suất có thể mới thực sự định hình. Nếu sức ép đó thể hiện, vai trò điều tiết vốn của NHNN cũng cần tính đến. Chưa nói, hiện các TCTD đang nắm trong tay cỡ khoảng 150.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC mà chưa dùng đến qua kênh tái cấp vốn.
Do đó, trong điều kiện hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ lạm phát thấp cùng với thanh khoản tiền VNĐ trong hệ thống ngân hàng dồi dào là điều kiện rất tốt để các NHTM có cơ hội để ổn định lãi suất từ nay đến cuối năm 2015.
Thứ hai, tỷ giá và nhập siêu
Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, nhập siêu ước tính 3,8 tỷ USD, tương đương 4,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực FDI xuất siêu 6,07 tỷ USD, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 9,83 tỷ USD.Nhập siêu tăng do cả xuất khẩu tăng chậm và nhập khẩu tăng nhanh. Nhập siêu tăng cao còn là sự kết hợp giữa những yếu tố bất lợi trên thị trường thế giới (làm cho xuất khẩu của nhiều mặt hàng sụt giảm) và sự phục hồi kinh tế trong nước dẫn đến sự tăng tốc của nhập khẩu.
Trên thực tế, nhập siêu không nằm ngoài dự đoán của các cơ quan quản lý nhà nước nhưng nhập siêu cao ngay trong những tháng đầu năm là diễn biến khá bất ngờ. Tuy nhiên, trong những tháng tiếp theo, nhập siêu có thể được kiểm soát ở mức mục tiêu. Bên cạnh đó, cán cân thanh toán tổng thể năm 2015 có thể dương khoảng 5 tỷ USD. Nghĩa là, cầu về ngoại tệ, trong đó có bù đắp cho nhập siêu sẽ được đáp ứng đầy đủ bằng các nguồn tài trợ khác như kiều hối, vay nợ nước ngoài và FDI.
Bên cạnh đó, giá dầu thô trên thị trường quốc tế đang phục hồi nhanh chóng, phát tín hiệu tích cực cho khả năng phục hồi xuất khẩu. Đồng EUR đang giữ vững thế mạnh của mình so với USD khi tình hình chính trị và tài chính Hy Lạp vẫn đang diễn biến phức tạp và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lùi thời hạn tăng lãi suất sẽ có tác dụng hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Châu Âu, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Ngoài ra, xuất khẩu của khu vực FDI cũng tăng cao nên cung và cầu ngoại tệ của khu vực này có thể tự cân đối được. Chính vì vậy, dù nhập siêu tăng cao nhưng ngay trong những tháng đầu năm, NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ khá lớn để tăng dự trữ ngoại hối. Đây là căn cứ quan trọng để NHNN kiên trì thực hiện mục tiêu điều hành tỷ giá hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhập siêu cao đã gây sức ép lên tỷ giá, là một trong các nguyên nhân quan trọng khiến NHNN trong tháng 5 phải thực hiện lần điều chỉnh tỷ giá thứ hai trong năm nay, một động thái được coi là sớm hơn dự đoán. Việc tăng thêm tỷ giá sẽ khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng lên và ảnh hưởng phần nào tới niềm tin của dân chúng vào tiền đồng.
Ngoài ra, tăng tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất hiện nay và cũng sẽ tác động tới lạm phát, vì theo tính toán của tác giả, tỷ giá điều chỉnh thêm 1% thì sẽ khiến lạm phát tăng 0,2%, từ đó sẽ gây áp lực lên mặt bằng lãi suất chung trên thị trường. Hơn thế nữa, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD càng giãn ra thì càng có lợi cho VND. Hiện khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi bằng VND và USD khoảng trên 5%, song nếu tỷ giá tăng mạnh thì người gửi tiền sẽ có khuynh hướng rút tiền đồng để đổi sang USD gửi ngân hàng. Do đó, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc tăng lãi suất tiền đồng để giữ chân khách hàng. Và khi lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra sẽ tăng theo.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã nhiều lần NHNN khẳng định cam kết tỷ giá USD/VNĐ trong năm 2015 tăng không quá 2%, bất kể "room" đến nay đã không còn và NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường khi cần thiết; và dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay cơ bản gắn liền với USD và đạt 36 tỷ USD thời điểm cuối năm 2014, khoản dự trữ này sẽ đảm bảo sự can thiệp và điều chỉnh thị trường ngoại hối trong ngắn hạn của NHNN. Từ đó, một khi tỷ giá đã được NHNN cam kết giữ ổn định từ nay đến cuối năm 2015 thì tình trạng nhập siêu trong năm nay cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình lãi suất hiện nay trên thị trường.
Thứ ba, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán
Tính đến cuối tháng 6 năm 2015, tín dụng bất động sản tăng 11%, chiếm tỷ trọng 8,3% trong tổng dư nợ tín dụng. Tín dụng này chủ yếu đổ vào lĩnh vực xây dựng nhà ở và cho thuê. Do vậy tín dụng bất động sản (BĐS) không phải đổ vào kinh doanh bất động sản. Tín dụng này cũng kích thích tiêu dùng đối với các nhóm hàng vật liệu xây dựng.
Sau đúng hai tháng chỉ đạo gỡ khó về vốn cho lĩnh vực bất động sản, nghị quyết phiên họp tháng 6/2015 của Chính phủ vừa ban hành đã đề cập đến nội dung yêu cầu “Giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro” trong đó nêu cụ thể là bất động sản, dự án có thời gian thu hồi vốn dài.Thị trường BĐS hiện nay chưa có bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ “bong bóng” đã quay trở lại. Bởi lượng tồn kho khổng lồ với hàng nghìn dự án BĐS nằm bất động khắp cả nước chưa giải quyết hết thì không thể xảy ra “bong bóng” BĐS lần nữa.
Song thị trường bất động sản có tăng trưởng nóng hay không còn phụ thuộc vào phương thức quản lý kinh tế của Nhà nước, trong đó có chính sách tín dụng. Nếu có sự điều tiết tốt sẽ hạn chế thị trường bất động sản tăng trưởng nóng và tránh đổ vỡ cho thị trường tài chính, tiền tệ.
Đối với thị trường chứng khoán, nhìn chung hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán có nhiều tiến bộ hơn trước, đặc biệt là phát hành riêng lẻ tăng đã giúp doanh nghiệp có được ngay nguồn vốn để tái cấu trúc và đầu tư phát triển. Trên thực tế,thời gian qua dòng tiền ngân hàng chảy vào chứng khoán thông qua 3 kênh chính:
Thứ nhất, khối lượng margin (Margin Trading: giao dịch ký quỹ là việc nhà đầu tư mua cổ phiếu có sử dụng hạn mức tín dụng do Công ty chứng khoán môi giới cấp. Nó được đảm bảo bằng khoản ứng trước bằng tiền hoặc thế chấp bằng chính cổ phiếu được mua) của các công ty chứng khoán bằng nguồn vốn vay của ngân hàng.
Thứ hai, các khoản cầm cố cho vay trực tiếp của các ngân hàng cho việc đầu tư cổ phiếu và trái phiếu, các khoản ngân hàng ủy thác qua công ty quản lý quỹ để đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Thứ ba, đầu tư trực tiếp của các ngân hàng vào cổ phiếu, trái phiếu niêm yết và không niêm yết.
Bên cạnh đó, thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 đang giúp lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống ngân hàng và đảm bảo dòng vốn vào TTCK có chất lượng và dài hạn đồng thời giúp cơ hội cấu trúc lại TTCK. Về dài hạn, việc kiểm soát dòng tiền từ ngân hàng vào thị trường chứng khoán là một chủ trương đúng. Thông tư 36 có hiệu lực thì dòng cung cho đầu tư kinh doanh cổ phiếu khả quan hơn. Việc ra đời Thông tư 36 là cần thiết, để ngăn vốn ngắn hạn chạy qua thị trường chứng khoán và để nguồn vốn trung, dài hạn phát triển, từ đó sẽ giúp thị trường phát triển bền vững trong tương lai.
Ngoài ra, “cú sốc” từ kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp đã khiến thị trường tài chính châu Á biến động mạnh trong những ngày gần đây. Giá dầu thô, đồng Euro, và các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm sâu, trong khi giá các tài sản an toàn đi lên. Tình hình này cũng sẽ phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường chứng khoán trong thời sắp tới, tuy không nhiều.
Do đó, các dòng vốn “chạy” vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán vẫn đang được nhà nước kiểm soát chặt chẽ.
Tóm lại, qua các phân tích về 3 yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng của lãi suất từ nay đến cuối năm 2015 như ở trên, tác giả cho rằng lãi suất cho vay và huy động vốn của hệ thống NHTM vẫn tiếp tục được duy trì tương đối ổn định và được NHNN điều hành 1 cách linh hoạt, có sự phối hợp đồng bộ của nhiều công cụ trong chính sách tiền tệ và sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều Bộ ngành có liên quan trong cả hệ thống chính trị trên cả nước.
Theo Tin Ngân Hàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét