Ngày 21/7, NHNN đã có văn bản về việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank).
Theo đó, Maritime Bank có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của MDB. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, Maritime Bank phải hoàn tất các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, bố cáo sáp nhập và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
NHNN cũng yêu cầu MDB có tránh nhiệm thực hiện thủ tục xóa tên Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông trong sổ đăng ký doanh nghiệp, bố cáo sáp nhập, bố cáo chấm dứt hoạt động và việc giải quyết các quyền và nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời hoàn trả Ngân hàng Nhà nước bản gốc Giấy phép hoạt động số 0022/NH-GP ngày 12/9/1992 do Thống đốc NHNN cấp.
Ngay sau khi có thông tin trên, để giải tỏa lo lắng khách hàng, Maritime Bank cho biết, việc sáp nhập MDB vào Maritime Bank trên cơ sở tự nguyện với mong muốn kết hợp sự tương đồng về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, sản phẩm dịch vụ, gia tăng thế mạnh sẵn có của hai ngân hàng. Nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình sáp nhập MDB vào Maritime Bank là kế thừa và đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của khách hàng, cổ đông và người lao động.
Theo đó, quyền lợi hợp pháp của khách hàng gửi tiền tại MDB trước đây vẫn được Maritime Bank đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, khách hàng hiện tại của Maritime Bank và nhóm khách hàng mới sẽ có cơ hội lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng hơn với chất lượng tốt hơn, giao dịch thuận tiện hơn với mạng lưới rộng khắp trên khắp các tỉnh thành. Theo kế hoạch, sau thời điểm hợp nhất 2 hệ thống corebanking, khách hàng hiện tại của MDB có thể giao dịch chính thức tại tất cả các điểm giao dịch của Maritime Bank trên cả nước.
Maritime Bank sau sáp nhập chính thức được bổ sung nguồn lực với tổng tài sản 111.753 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 14.000 tỷ đồng, đội ngũ nhân sự hơn 5.000 người, hệ thống giao dịch gần 300 điểm, số lượng khách hàng trên toàn quốc đạt hơn 1,4 triệu khách hàng cá nhân, gần 30.000 khách hàng doanh nghiệp, 600 doanh nghiệp lớn và định chế tài chính. Với quy mô này, hiện tại Maritime Bank là ngân hàng có vốn điều lệ thuộc top 3 và mạng lưới giao dịch thuộc top 5 trong khối ngân hàng thương mại cổ phần. Tỷ lệ nợ xấu trong năm qua cũng được MDB và Maritime Bank kiểm soát dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước, lần lượt ở mốc 2,71% và 2,61%.
Trước khi sáp nhập, MDB đã và đang hoạt động khá thành công tại khu vực phía Nam, đặc biệt ở các tỉnh miền Tây. Với sự am hiểu thị trường địa phương, MDB đã tạo nên vị thế cạnh tranh trong phân khúc khách hàng nhỏ ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây sẽ là sự bổ sung tốt cho Maritime Bank để phát triển toàn diện. Với sự cộng hưởng đó, Maritime Bank sẽ tiếp tục chiến lược đẩy mạnh phát triển mảng ngân hàng bán lẻ với nhóm khách hàng mục tiêu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, tiểu thương…, tiếp tục khẳng định vị thế của một ngân hàng hiện đại, đa năng, cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Đổi tên các chi nhánh MDB
Cũng trong ngày 21/7/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 5481/QĐ-NHNN về việc thay đổi tên chi nhánh và các đơn vị mạng lưới khác của Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sau khi sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam Theo đó, Thống đốc NHNN chấp thuận việc đổi tên 17 chi nhánh được MSB tiếp quản từ MDB. Việc chấp thuận này được áp dụng kể từ ngày 12/8/2015.
Maritime Bank có trách nhiệm thực hiện đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và công bố nội dung thay đổi nêu trên theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo NHNN việc thực hiện các yêu cầu này.
Đối với việc đổi tên phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm và các đơn vị mạng lưới khác (nếu có), NHNN yêu cầu Hội đồng quản trị Maritime Bank rà soát, khẩn trương ra Quyết định và thực hiện các thủ tục đổi tên phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm và các đơn vị mạng lưới khác (nếu có) trên cơ sở phải đảm bảo: Tên các đơn vị mạng lưới tuân thủ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật các tổ chức tín dụng; Hiệu lực của Quyết định đổi tên phải cùng ngày với ngày hiệu lực của Quyết định chấp thuận sáp nhập MDB vào Maritime Bank của NHNN.
Ngoài ra, Maritime Bank có trách nhiệm báo cáo NHNN việc thay đổi này trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày đơn vị mạng lưới hoạt động theo tên mới.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – Maritime Bank chính thức đi vào hoạt động từ ngày 12/07/1991. Sau 24 năm xây dựng và phát triển, đến nay Maritime Bank đã trở thành một ngân hàng thương mại cổ phần phát triển mạnh, bền vững và tạo được niềm tin đối với khách hàng. Trước khi sáp nhập, vốn điều lệ của Maritime Bank ở mức 8.000 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 104.369 tỷ đồng. Mạng lưới hoạt động không ngừng được mở rộng từ 16 điểm giao dịch năm 2005, hiện nay lên đến 221 điểm giao dịch trên toàn quốc.
MDB: Được thành lập vào ngày 12/10/1992, Ngân hàng TMCP Phát Triển Mê Kông (MDB) tiền thân là Ngân hàng TMCP nông thôn Mỹ Xuyên. Năm 2010, MDB có cổ đông chiến lược là Công ty đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding (FFH) - Cty 100% vốn của Temasek Holdings (Singapore). MDB phát triển mạng lưới chủ yếu ở phía Nam, đặc biệt khu vực miền Tây và có thế mạnh trong phân khúc khách hàng nhỏ ở khu vực nông thôn. Kết thúc năm tài chính 2014, vốn điều lệ của MDB ở mức 3.750 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 7.000 tỷ đồng.
Theo nguồn : Tin Ngân Hàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét